Friday, 13 January 2017

Ghi chép về dạy kỹ năng đọc - Bài 1

Có một bài luyện đọc cho học sinh, dễ soạn, nhưng có thể hiệu quả với nhiều em gặp vấn đề kỹ năng đọc.

Vấn đề: Nhiều học sinh gặp khó khăn khi hiểu văn bản do không có ý thức liên kết ý trong văn bản khi đọc, ý giữa các câu, và ý giữa các đoạn, đọc câu nào chỉ biết câu ấy, thậm chí đọc từ nào biết từ ấy mà không để ý nó có liên quan ý nghĩa gì trong câu, hay với câu khác. Chưa nói tới một đoạn có liên hệ gì với đoạn kia. Có những em chăm chỉ học thêm 4-5 nghìn từ khó, nhưng khi đọc vẫn gặp khó khăn, không nhìn ra ý (tường minh) của người viết, mặc dù không gặp từ mới đáng kể.

Có rất nhiều phương tiện giúp văn bản được tổ chức thành một thể thống nhất (phương tiện liên kết từ vựng và phương tiện liên kết ngữ pháp - Halliday & Hasan), đương nhiên giáo viên cần hiểu kỹ về mặt ngôn ngữ học, nhưng nếu giải thích những kiến thức này cho học sinh sẽ rất khó tiếp thu, quên ngay sau khi nói, hoặc chưa kịp hiểu đã quên.

Thay vì giải thích, giáo viên có thể chọn các bài đọc tin cậy từ các bộ đề thi chính thức IELTS, TOEFL iBT, SAT, ACT, hoặc các bài đọc từ các sách tin cậy phù hợp trình độ học sinh, sử dụng mấy dạng bài tập sau:

1. Tách  1 câu ra khỏi đoạn văn, yêu cầu học sinh ghép lại. Câu được tách có thể tương đối dễ nếu chứa những phương tiện liên kết rõ ràng như "For example", "However,", hoặc cũng có thể khó hơn nếu được liên kết bằng những phương tiện ít quen thuộc hơn như từ đồng nghĩa, hyponym, v.v. Khi học sinh ghép câu trở lại đoạn văn phải giải thích được mối liên hệ ý nghĩa giữa câu đó vói câu trước và sau. Vì dụ, nếu câu có "For example", học sinh cần chỉ rõ được mối quan hệ câu sau là ví dụ của câu trước như thế nào.

2. Tác 2-3 câu ra khỏi 1 đoạn và yêu cầu học sinh ghép lại. Cơ bản, đây là cách mở rộng thêm có loại bài trên. Không cần thiết đảo lộn tất cả các câu trong đoạn, có thể làm học sinh chán nản.

3. Tách 1 đoạn văn ra khỏi một bài đọc và yêu cầu học sinh ghép trở lại bài. Cũng cần yêu cầu học sinh giải thích rõ mối liên hệ ý nghĩa giữa các đoạn văn khi có đoạn mới được đặt vào.

Qua luyện tập học sinh sẽ dần có ý thức để ý mối liên kết ý nghĩa trong bài đọc và dễ nắm được ý tưởng của người viết hơn.

Có 2 lưu ý khi áp dụng bài tập này.

1. Văn bản được chọn phải là 1 văn bản được tổ chức tốt. Nội dung lớn bao quát bài rõ ràng, các đoạn văn triển khai bài nhất quán, mạch lạc. Giao viên có khả năng ngôn ngữ tốt có thể sử dụng các bài đọc mới, cập nhật thông tin thú vị, nhưng cần dành thời gian đọc, loại bỏ các yếu tố không phù hợp, hoặc bổ sung những điểm cần thiết. Điều này có thể tốn thời gian, tăng chi phí.  Cũng nên lưu ý cho học sinh rằng khi đọc bài thực tế ngoài cuộc sống, có những bài viết không được tốt, khi đọc có thể có những câu viết lạc đề, những đoạn có thể không cần thiết.

2. Một câu văn, đoạn văn khi tách ra có tình huống có thể được ghép trở lại hơn 1 vị trí, giáo viên không nên cứng nhắc áp đặt theo văn bản gốc mà nên cùng học sinh xem xét mỗi phương án học sinh đưa ra thật cẩn thận, cũng qua đó ý thức về xem xét quan hệ ý nghĩa giữa câu, đoạn của học sinh cũng sẽ tăng lên.

No comments:

Post a Comment