Saturday, 19 March 2016

Qúy như vàng

Lướt qua FB có một bạn share bài báo "Ai lấy được vợ con giáp này như vớ được trăm cây vàng." :D Chủ đề thường ngày trong XH VN bây giờ.

Bố mẹ quý con "như vàng", chồng quý vợ "như vàng", nghe không hay lắm. Vàng rất quý, có một nguồn dự trữ vàng mạnh sẽ giúp đảm bảo an ninh tài chính, xử lý khủng hoảng kinh tế, chính trị... nhưng vàng đại diện cho giá trị vật chất, trong khi tình cảm gia đình, con người là giá trị tinh thần, cho nên chúng không thể quy đổi tương đương được.

Tất nhiên người ta có thể lập luận rằng nói như thế chỉ có ý là rất quý chứ không phải là quy ra vàng thực sự, nhưng ngôn ngữ có logic của nó, nếu không sùng bái vật chất, sẽ không mượn nghĩa từ vàng để đại diện cho mọi giá trị lớn. Và khi nghe "quý" như vàng, người ta không thể quên nguồn gốc vật chất của nó dù người nói có quả quyết bây giờ từ ấy đơn thuần chỉ nghĩa là rất quý. Để dễ hiểu hơn, hãy lấy một ví dụ "đời thường" khác. Một đoạn đối thoại có thật:

A: Lương mày bao nhiêu?
B: Ít, 30tr/tháng chưa kể thưởng.
A: Có c*t, ông cứ phét.

"C*t" trong câu này chắc chắn không có nghĩa là phân, người A chỉ muốn nói, "không thể nào có chuyện đó", nhưng khi nghe từ ấy phát âm ra, mặc dù biết nghĩa của nó không phải là phân, nhưng người nghe vẫn rất dễ liên tưởng tới phân hay gì đó ...kinh, bẩn, chứ không thể nào có cùng "cảm xúc" nếu A nói "không thể có chuyện đó". Nghĩa phái sinh của từ không thể hoàn toàn thoát khỏi nghĩa gốc của từ.

Vàng cũng vậy, thật không nên nói giá trị tình cảm quý như vàng. Một sáng sớm thức dậy, con mình hay vợ mình biến thành vàng thì cảm xúc sao nhỉ? Lại nhớ chuyện vua Midas thích vàng.

So sánh, trong văn hóa phương tây, như Đức, Hà Lan, Anh... người ta cũng dùng golden để nói về nhiều thứ quý giá nhưng thường không phải giá trị tình cảm. Có một từ, khá hiếm, liên quan chút tới tinh thần, golden-hearted, chỉ người hiền lành, không hại người khác.

No comments:

Post a Comment