Nhiều học sinh, cả đồng nghiệp giáo viên có vẻ bị ám ảnh bởi việc phải làm sao sử dụng thành ngữ trong bài thi Speaking IELTS.
Đầu tiên cần hiểu, cụm từ trong thang điểm IELTS 8-9 là idiomatic language, chứ không phải là idioms, tức là không chỉ những thành ngữ được gọi là idiom như It's raining dogs and cats! (thầy cô suốt ngày mang ra làm ví dụ về idioms!), mà cả những cụm từ mà nhìn chung nghĩa của chúng không phải nghĩa từ vựng gốc của những từ trong cụm, như see the point, the key issue, to underline a point, to shed light on, launch a marketing champaign. Không có "điểm", "chìa khóa", "gạch chân" hay "ánh sáng", hay "phát động chiến dịch" nào ở đây, người ta hiểu nghĩa của nó theo cách khác, đây chính là tính thành ngữ của nó. Học cách sử dụng ngôn ngữ mang tính thành ngữ như thế này có giá trị hơn là với các thành ngữ (idioms) vì tính linh hoạt cao hơn, các bối cảnh ngôn ngữ cho phép sử dụng đa dạng hơn.
Đa số thành ngữ dựa theo ẩn dụ, nhưng vì được dùng rất thường xuyên, người ta ít để ý đến tính ẩn dụ của chúng, như khi nói the key issue, ít ai nghĩ đến cái chìa khóa nữa. Còn trong văn học, những hình ảnh ẩn dụ mang tính nghệ thuật và mới mẻ, độc đáo của riêng tác phẩm nên người đọc dễ nhận ra, như câu nói của Romeo, "Juliet is my sun.", ai cũng nhận ra ngay hình ảnh ẩn dụ sun cho những gì quan trọng nhất mang lại sự sống và năng lượng, trí tuệ, v.v.
Như vậy, những thành ngữ (idioms) cũng thuộc về idiomatic language, nhưng không phải chỉ có idioms mới là idiomatic language.
Cũng cần lưu ý, idioms thường dùng trong hoàn cảnh giao tiếp ít tính trang trọng, và nhiều idioms cần "cảnh giác" khi sử dụng bởi một số thành ngữ được giáo viên dạy học sinh hay người học tự tìm trên mạng hay trong sách, nó trở thành phổ biến đến mức nghe phát chán! Thay vì dùng ngôn ngữ khó (less common language) thì các thành ngữ này lại thành thứ gì đó bị lạm dụng, nghe quá bình thường (cliches): Apple of my eyes, A piece of cake, My cup of tea, v.v.
Học dùng idioms đương nhiên là tốt, nhưng nên học sử dụng đi kèm hoàn cảnh, đọc để thấy nó được dùng như thế nào và tập dùng chúng khi nói, viết, thay vì học tủ một list vài idioms mà bản thân mình cũng chỉ nhớ thoáng thoáng một nghĩa tiếng Việt của chúng. Idioms cũng có nguồn gốc văn hóa, hiểu chúng thì khi sử dụng mới có sự nhạy cảm về văn hóa, dùng đúng nghĩa, đúng nơi.
Post sau sẽ dành cho từ vựng khó, (less common vocabulary), học sinh và cả giáo viên có vẻ cũng bị ám ảnh bởi chủ đề này không kém. Mình từng phải thức tới 12 giờ, giải thích hơn 1 tiếng cho một em học sinh về từ vựng khó, mà có vẻ bạn ấy mới chỉ bắt đầu thấy ... yên tâm hơn.
No comments:
Post a Comment